Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra sáng 27/12 tại Hà Nội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 21/12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Cũng theo Phó Thống đốc, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp…); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của tổ chức tín dụng cải thiện hơn, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 – 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Như vậy, trong 10 ngày cuối cùng của năm 2022, toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn dư khoảng 2,63 – 3,13% room tín dụng.
Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trong năm hệ thống các tổ chức tín dụng đã tiếp tục triển khai một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến cuối tháng 6/2022 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị luỹ kế hơn 722.000 tỷ đồng (gần 1,1 triệu khách hàng), miễn giảm lãi phí với giá trị nợ luỹ kế trên 92.000 tỷ đồng; tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất./.