Nhiều sàn bất động sản đã quyết định cho nhân viên nghỉ Tết sớm hơn mọi năm do thị trường ảm đạm, có quá ít giao dịch.
Một năm lao đao của nhân viên bất động sản
Chia sẻ với PVReatimes, anh Trần Mai Hoà (27 tuổi – môi giới bất động sản tại Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: “Từ giữa năm đến bây giờ, tôi gần như chỉ lên công ty ngồi chơi nói vài ba câu chuyện với anh em đồng nghiệp rồi lại đi về, thỉnh thoảng nghe vài cuộc điện thoại từ nhà đầu tư muốn bán đất hoặc người mua gọi điện chỉ để thăm dò thị trường chứ chẳng chốt được giao dịch nào”.
Thời điểm từ tháng 7 trở về cuối năm, nhiều nhân viên môi giới đã phải đối diện với tình cảnh cả tháng không có giao dịch, không có thu nhập từ hoạt động mua bán bất động sản, công việc môi giới trở nên nhiều áp lực và thách thức.
Anh Hoà cho biết thêm, khách hàng lo sợ thị trường bất động sản tiêu cực nên không dám đầu tư, nhiều người chỉ liên hệ thăm dò thông tin chứ chưa quyết định “xuống tiền”. Bên cạnh đó, việc vay vốn từ ngân hàng trở nên rất khó khăn khi room tín dụng bị siết nên những người không có nguồn vốn mạnh họ cũng đành ngồi chờ tín hiệu tích cực từ các chính sách mới.
Câu chuyện anh Hoà chia sẻ gần như là thực trạng chung của môi giới trong năm vừa qua, họ đều chật vật trong công việc, khó có được giao dịch. Trước những khó khăn về nguồn vốn, một số doanh nghiệp bất động sản đã phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động. Có doanh nghiệp giảm tới 50% nhân sự, đa số trong đó là những nhân viên nam – là trụ cột, thu nhập chính của gia đình nên cuộc sống sinh hoạt của họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Thậm chí, có những doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, không có nguồn thu duy trì hoạt động nên bắt buộc phải giải thể.
Anh Lê Trung Kiên (26 tuổi) từng làm môi giới bất động sản cho hay, công ty anh buộc phải giải thể vào tháng 10/2022. Công việc vốn đã áp lực ngày càng trở nên khó khăn hơn, bởi con gái anh còn nhỏ tuổi, vợ anh ở nhà trông con và bán hàng online, thu nhập chính của gia đình vốn là anh. Tết ngày càng đến gần, để đảm bảo sinh hoạt cuộc sống, anh Kiên đành đi làm tài xế công nghệ.
“Tôi vào nghề từ cuối năm 2021, vì thấy bạn bè đều phất lên mua nhà mua xe chỉ sau thời gian ngắn đi làm nên tôi quyết định nghỉ công việc văn phòng. Thời gian đầu, tôi vẫn có được giao dịch mỗi tháng, nhưng càng ngày thị trường càng trầm lắng rồi đóng băng, dẫn đến công ty buộc phải giải thể. Tôi quyết định đi làm tài xế công nghệ để có thể kiếm thu nhập đón Tết, chờ khi nào thị trường ổn định hơn mới quay lại nghề, bởi vì phải ưu tiên kiếm tiền để duy trì sinh hoạt cuộc sống”, anh Kiên chia sẻ.
Càng về cuối năm, những khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản càng trở nên rõ nét, áp lực ngày càng lớn. Bởi, mỗi tháng trôi qua công ty phải gồng nhiều khoản chi phí để duy trì vận hành bộ máy, trong khi vẫn chịu áp lực từ các khoản lãi vay ngân hàng. Cùng với đó, các chi phí lớn cố định hàng tháng như chi phí thuê văn phòng, lương và các chế độ phúc lợi nhân viên, hoa hồng môi giới… là những khoản tiền lớn khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trở nên đau đầu để giải quyết bài toán này trong giai đoạn khó vốn.
Một cái Tết mà nhân viên bất động sản chẳng dám nghĩ đến tiền thưởng, chẳng nghĩ đến những buổi tiệc liên hoan tổng kết sôi động như trước đây. Có những môi giới nói đùa với nhau rằng “năm nay chẳng có Tết!”.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm, một sự việc chưa từng có tiền lệ. Một sàn giao dịch bất động sản ở phía Tây Hà Nội chuyên về phân khúc nhà đất đã thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ ngày 7/1/2023 mà chưa có ngày cụ thể đi làm lại.
Cũng ra thông báo nghỉ Tết sớm, một công ty bất động sản tại huyện Quốc Oai, Hà Nội đã quyết định cho các nhân viên thuộc khối văn phòng nghỉ Tết ngay từ đầu tháng 12/2022 đến ngày 5/2/2023, còn khối nhân viên kinh doanh vẫn tiếp tục công việc để hy vọng có được những giao dịch chốt năm.
Vì đã hoạt động lâu năm, có lẽ tiềm lực khá ổn định nên tuy nghỉ sớm nhưng ban giám đốc công ty này vẫn đảm bảo cho các nhân viên được nhận phần lương cứng của mình.
Anh N.T. Mạnh – lãnh đạo công ty bất động sản tại Quốc Oai chia sẻ: “Tôi nhận thấy khó khăn là khó khăn chung và không ai mong muốn, để nhân viên có thêm thời gian dành cho gia đình trong giai đoạn công ty ít việc này, tôi quyết định cho mọi người nghỉ Tết sớm hơn. Công ty vẫn đảm bảo thanh toán lương cứng cho nhân viên bởi tuy có khó khăn nhưng khi công ty đạt được thành công là do tất cả mọi người đóng góp, họ đã đồng hành làm việc cùng với tôi rất nhiều năm qua, hơn hết đa số họ đều là thu nhập chính của gia đình. Hy vọng sang năm mới 2023, tình hình thị trường bất động sản sẽ có sự khởi sắc trở lại”.
Kỳ vọng thị trường bất động sản 2023 sẽ có tín hiệu khởi sắc
Trước bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, các doanh nghiệp “gồng mình” chống chọi với nhiều thách thức để tồn tại, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn để tháo gỡ khó khăn, lành mạnh hóa thị trường. Từ những động thái này, tâm lý của doanh nghiệp và nhà đầu tư dần được phục hồi và vững tâm hơn để vượt qua “sóng gió” trong năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản năm 2023 có thể sẽ ghi nhận 2 kịch bản xảy ra, phụ thuộc vào những diễn biến thực tế về chính sách điều hành vĩ mô.
Sau Tết Quý Mão, nếu Chính phủ có những chính sách điều chỉnh về nguồn vốn và trái phiếu doanh nghiệp, đồng nghĩa thị trường bất động sản sẽ dần ấm lên và có sự phát triển ổn định đến cuối năm.
Còn nếu trong trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết nguyên đán, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ tiếp tục kéo dài hiện trạng khó khăn như hiện tại.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cũng nhận định rằng, thị trường bất động sản sẽ ấm dần, nhưng phải tới quý III của năm 2023 mới có sự chuyển biến tích cực rõ rệt. Có thể thấy, trước mắt hàng nghìn nhân viên trong lĩnh vực bất động sản sẽ còn phải tiếp tục đối diện với tình cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ thêm, thời điểm này những người làm môi giới bất động sản cần phải tỉnh táo, tìm một công việc mưu sinh tạm thời, đồng thời tranh thủ thời gian bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp.
“Môi giới bất động sản cần phải xác định đây là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do các yếu tố khách quan, nhưng bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, phải trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại mới có thể làm việc hiệu quả hơn”, ông Đính nói.
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cung nhà ở thương mại đến cuối quý III/2022 chỉ có 17 dự án với 4.123 căn, bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý là nguồn cung chỉ tập trung ở phân khúc trung cấp, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu thực. Do đó tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt hơn 33% giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm và lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 gần như không còn.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn và tồn kho lớn nhưng chủ yếu là sản phẩm trung gian. Tại một số doanh nghiệp, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 12.946 tỷ đồng, tăng 20%; hàng tồn kho đạt 14.108 tỷ đồng, tăng 25%. Tổng giá trị các tài khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đạt tới 27.054 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản. Con số này tăng rất mạnh so với đầu năm là 78%.
Báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hoàn thành được 13 dự án, với 6.000 căn. Trong năm, cả nước có 19 dự án được khởi công với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu mét vuông. Những con số này mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ mục tiêu đề ra của Chính phủ là xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.